Chàng thanh niên “khùng” ở Trì Quang

LCĐT - Khi biết chúng tôi muốn gặp gỡ một thanh niên sản xuất giỏi, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Trì Quang (huyện Bảo Thắng) Trần Xuân Vinh hóm hỉnh: Em sẽ đưa các chị đến gặp thanh niên sản xuất tiêu biểu của địa phương. Chàng trai này được giới trẻ gắn thêm mác “khùng” vì những cách làm chẳng giống ai…

Phạm Văn Khoa khởi nghiệp từ nghề nuôi cá.
Phạm Văn Khoa khởi nghiệp từ nghề nuôi cá.

Thuê đất làm nơi khởi nghiệp

Theo chân Bí thư Đoàn xã Trì Quang, chúng tôi xuôi theo đường bê tông thẳng tắp từ trụ sở ủy ban xã về thôn Quang Lập, rồi lại rẽ phải theo đường đất gồ ghề tầm 500 m để gặp chàng thanh niên “khùng” Phạm Văn Khoa. Nghe có tiếng chó sủa và tiếng xe máy ầm ì, chủ nhân của nhà tôn nhỏ xíu giữa vườn cây ló ra với nụ cười tươi rói. Phạm Văn Khoa thân hình gày gò và có nước da màu nắng, rất nhanh nhẹn, cởi mở. Ngồi giữa bốn bề ao chuôm của chốn làng quê, tôi càng thêm thú vị bởi câu chuyện khởi nghiệp của anh.

Khoa sinh ra và lớn lên ở Trì Quang. Cũng giống như nhiều thanh niên nông thôn khác, khi “đủ lông, đủ cánh”, Khoa cũng lên thành phố kiếm việc làm. Chật vật nơi đất khách gần 5 năm với nhiều công việc khác nhau, Khoa nhận ra muốn phát triển cần chọn một công việc ổn định. Vậy là Khoa trở về quê phát triển kinh tế, vốn liếng là 20 triệu đồng bấy lâu dành dụm. Thêm vào đó, để thực hiện ý tưởng, Khoa đi thuê đất của người làng bên. Nghe kế hoạch của con, bố mẹ đều phản đối, có những lúc còn cho rằng con bị khùng. Tuy nhiên đã quyết là làm, Khoa kiên trì thuyết phục, lâu dần bố mẹ cũng tạm bằng lòng.

Khu vực chàng trai trẻ chọn làm nơi ươm mầm ước mơ khởi nghiệp gồm 5 ao lớn nhỏ, tổng diện tích mặt nước là 1 ha và gần 1.000 m2 vườn tạp. Chủ đất cũng là người hào phóng và ủng hộ người có nhiều ước mơ, nên cho Khoa thuê với giá “như cho” 15 triệu đồng/năm. Từ nhỏ đã mơ ước có được khu đất của riêng mình nên khi có trong tay, Khoa miệt mài đêm ngày cải tạo. Mảnh đất vốn lâu ngày không được sử dụng, cỏ rác mọc đầy, bờ ao lở, đất bồi lấp lòng ao…

Ngồi kế bên nãy giờ, Bí thư Đoàn xã Trần Xuân Vinh góp chuyện: Đúng là vạn sự khởi đầu nan. Những ngày đầu, Khoa làm việc đêm ngày, người gầy rộc trông thấy, nhưng không bao giờ thấy sự nản chí của Khoa. Một mình mải miết và cần mẫn đã cho những kết quả rất khả quan…

Chúng tôi dạo quanh một vòng ngắm vùng đất nở hoa của chàng Khoa “khùng”. 5 ao rộng ăm ắp cá. Những đàn cá chép, cá trắm, cá rô đang kỳ sinh trưởng mạnh, háu ăn, thấy bóng người tưởng được ăn cứ nhao nhao dưới làn nước. Khu vực vườn tạp Khoa cũng cải tạo thành những chuồng nuôi nhốt lợn và quy hoạch khu nuôi một số đại gia súc.

Những “nước cờ” hay

Số vốn khởi nghiệp vẻn vẹn có 20 triệu đồng, Khoa dồn mua máy bắn cám, sục oxi và kéo đường điện phục vụ sản xuất. Còn lại, để mô hình trong ý tưởng được đi vào vận hành, Khoa liên hệ với các nơi cung ứng mua chịu. Khoa giải thích: Ở các đại lý bán cám cho cá hoặc trại cá giống, ngoài cách bán sản phẩm thu tiền luôn, người ta còn có cách cho người dân mua đồ, khi nào được thu hoạch thì thanh toán. Và dĩ nhiên thanh toán sau thu hoạch sẽ cao hơn khoảng 5% - 10% so với mua thanh toán ngay, giống như mình vay theo lãi suất vậy. Mua theo hình thức này đúng là cực chẳng đã, nhưng mình không có vốn nên đây là cách duy nhất.

Khởi đầu bằng vụ cá với 8.000 con cá chép, rô, trắm giống và nuôi dông dài qua 11 tháng, chàng “khùng” thu vụ đầu tiên 9 tấn cá thịt. Trừ chi phí, vụ khởi đầu mang về cho Khoa 60 triệu đồng. Có vốn trong tay, Khoa tiếp tục đầu tư vụ thứ 2 với gần vạn con cá giống các loại và mua cám theo hình thức thanh toán sau khi thu hoạch. Giờ thì đàn cá đang sinh trưởng rất tốt, hứa hẹn khoảng gần 2 tháng nữa sẽ cho chủ nhân một mùa bội thu. Theo tính toán, với giá cá thương phẩm như hiện tại, sau khi trừ các chi phí, Khoa sẽ thu lợi khoảng 90 triệu đồng.

Cùng với nuôi thủy sản, Khoa còn lên mạng xã hội học cách chế biến cá rô phi khô cung cấp cho các quán ăn. Mang mẻ cá mới ra lò hôm qua đã được đóng gói hút chân không cẩn thận, Khoa say sưa kể về câu chuyện làm cá sấy khô của mình. Nếm thử, tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi độ dẻo, thơm của thịt cá tựa như mực khô khi nướng và vị ngọt ngọt, cay cay, vị đậm đà của mắc khén, đúng đặc trưng của vùng Tây Bắc. Khoa tâm sự: Trì Quang là vùng nuôi cá nước ngọt lớn của huyện. Những năm trước và mùa nhiều cá, việc tiêu thụ rất khó khăn. Thêm vào đó, 2 năm nay dịch bệnh ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thụ nên em quyết định đi vào mảng chế biến. Từ lý thuyết đến thực hành là quãng đường rất xa, bởi mấy mẻ đầu em đều phải đổ bỏ vì không đạt về mùi vị cũng như độ dẻo, ngậy, nhưng giờ thì em tự tin với món ăn mình chế biến.

Từ bước đầu tìm kiếm thị trường, giờ mỗi mẻ cá ra lò Khoa bán hết veo, chủ yếu là cho các quán hàng trong huyện và có cả một vài đầu mối lẻ về Hà Nội. Khoa đang xây thêm lò sấy mới để nâng công suất sấy cá bán ra thị trường. Ngang qua khu chuồng trại, Khoa khoe: Hôm qua, em vừa đi đặt mua 4 con nghé rồi, vẫn là hình thức thu hoạch xong mới thanh toán chị ạ. Không có vốn thì đây là cách duy nhất khi mình muốn phát triển và mở rộng sản xuất. Em tin “tích tiểu thành đại”.

Trong câu chuyện tương lai, Khoa chia sẻ giấc mơ xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm cá sấy của mình và mở rộng chăn nuôi tăng thu nhập.

Với chàng trai trẻ chỉ mới là khởi đầu, hiệu quả cũng chỉ là những kinh nghiệm được tích lũy dần, nhưng chính việc dám nghĩ, dám làm, sự năng động, sáng tạo và ý chí phát triển kinh tế ở quê hương bằng những bước đi khác biệt của Khoa khiến ai nghe xong cũng thấy thú vị và khâm phục.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Ngày Trái Đất 22/4: Hạn chế rác thải nhựa để bảo vệ hành tinh

Ngày Trái Đất 22/4: Hạn chế rác thải nhựa để bảo vệ hành tinh

Ngày Trái Đất được Liên hợp quốc phát động vào ngày 22/4 hằng năm nhằm vận động mọi người nâng cao nhận thức về các giá trị của môi trường trên Trái Đất. Đồng thời, đây là thời điểm để mọi người hưởng ứng các phong trào bảo vệ môi trường, ngăn chặn các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra trên toàn thế giới. Chủ đề của Ngày Trái Đất năm 2024 là “Hành tinh và Nhựa”.

Cấp thí điểm phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID từ ngày 22/4

Cấp thí điểm phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID từ ngày 22/4

Người dân có thể lựa chọn cấp phiếu lý lịch tư pháp điện tử trên VNeID, qua email hoặc phiếu lý lịch tư pháp bản giấy được trả qua đường bưu điện về địa chỉ được yêu cầu mà không mất thời gian, công sức phải đến, chờ đợi ở những cơ quan chức năng cấp lý lịch tư pháp như trước.

Để dân ca Nùng Dín vang mãi

Để dân ca Nùng Dín vang mãi

Từ “đốm lửa nhỏ”, thầy cô Trường Mầm non Nấm Lư (xã Nấm Lư, huyện Mường Khương) đã mời các nghệ nhân đến truyền dạy, thổi bùng “ngọn lửa” yêu thích dân ca Nùng Dín, để những mầm non tiếp nối, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc mình.

Gần 200 học sinh thi lý thuyết, thực hành điều khiển xe gắn máy

Gần 200 học sinh thi lý thuyết, thực hành điều khiển xe gắn máy

Sáng 21/4, tại Trường Cao đẳng Lào Cai đã diễn ra nội dung thi lý thuyết, thực hành để cấp chứng chỉ điều khiển xe gắn máy cho học sinh. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình thí điểm bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng điều khiển xe gắn máy an toàn cho học sinh trung học phổ thông.

fb yt zl tw