Chuyện ở Kho Vàng

LCĐT - Kho Vàng - cái tên nghe đã khiến nhiều người phải tò mò muốn đặt chân đến và chúng tôi cũng không phải ngoại lệ. Có phải ngày xưa ở đây từng có kho báu của ai đó lãng quên hay có một thứ gì đó quý giá được ví như vàng?

“Cả nhà” làm cán bộ thôn

Từ trung tâm xã Cốc Lầu (Bắc Hà) men theo Tỉnh lộ 160, xuôi dòng sông Chảy gần chục cây số đến cầu Nậm Tôn, chúng tôi rẽ lên con đường bê tông mới mở. Một ngôi làng nhỏ hiện ra trước mắt bao quanh là núi rừng xanh thắm, Kho Vàng đã ở ngay trước mắt. Theo hướng dẫn của Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu, chúng tôi đi thẳng đến một gia đình “cả nhà” làm cán bộ thôn để tiện tìm hiểu cuộc sống của bà con nơi đây và cái tên Kho Vàng do đâu mà có. Đấy là gia đình anh Đặng Văn Bình, Bí thư Chi bộ thôn Kho Vàng, vợ anh - chị Bàn Thị Hân - là Trưởng ban công tác Mặt trận kiêm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn. Biết chúng tôi định hỏi sao cả hai vợ chồng cùng làm cán bộ chủ chốt ở thôn, chị Hân bảo cũng khó từ chối vì bà con tín nhiệm, làm cán bộ thôn vất vả, nhiều khi không còn thời gian lo việc gia đình. “Anh thấy đấy, ngày nghỉ mới có thời gian lên xem đồi quế, chứ ngày thường hết lên xã họp lại đến các hộ nắm tình hình”.

Chuyện ở Kho Vàng ảnh 1
Thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu nhìn từ trên cao.

Vất vả là thế nhưng chị Hân luôn tự hào khi những đóng góp của hai vợ chồng được bà con ghi nhận. Anh Bình chồng chị trước khi làm bí thư chi bộ đã hơn mười năm làm trưởng thôn. Phong trào nông thôn mới của thôn khởi sắc như hôm nay cũng là dấu ấn rất lớn của gia đình này. Năm 2018, thôn triển khai đổ bê tông đường giao thông nông thôn theo cơ chế nhà nước hỗ trợ vật liệu, người dân hiến đất và đóng góp công sức. Làm đường thì ai cũng muốn nhưng nhiều hộ bị ảnh hưởng vào đất sản xuất, vườn nhà nên ngại ngần, muốn Nhà nước có chút hỗ trợ. Lo lắng nếu người dân không đồng thuận thì xã sẽ chuyển sang làm đường ở thôn khác, vợ chồng anh Bình ngày ngày đến các hộ còn do dự hiến đất tuyên truyền, vận động. Có hộ đến một lần không được thì đến hai, ba lần. Đến nhà không gặp, anh Bình còn lên tận nương cùng lao động rồi trò chuyện như người nhà. Làm đường bê tông xe ô tô đi lại thuận lợi, nông sản tiêu thụ dễ dàng, đường đến trường của lũ trẻ trong thôn cũng đỡ vất vả hơn. Cái lợi nhìn thấy rõ nhưng phải mất cả tháng trời đi từng nhà vận động mới thống nhất được phương án đóng góp và hiến đất. Khí thế đang lên, anh xin xã cho triển khai ngay và chỉ trong thời gian ngắn, con đường bê tông đã thành hiện thực, góp phần giúp diện mạo nông thôn nơi đây đổi thay. Những chiếc xe chở sắn, quế đến nơi tiêu thụ dễ dàng hơn, hộ nào muốn xây nhà dựng cửa, chỉ cần một cuộc điện thoại là xe chở vật liệu sẽ mang vào tận nơi. Những hộ trước kia từng có ý định ngăn cản thi công tuyến đường nay tìm đến vợ chồng anh Bình nói lời cảm ơn vì không có vợ chồng anh suýt chút nữa họ đã làm ảnh hưởng đến việc lớn của thôn.

Hai vợ chồng đều là cán bộ chủ chốt ở thôn, bởi vậy đôi khi căn nhà của gia đình anh trở thành nơi bà con tìm đến trao gửi tâm tư và cả những bức xúc. Thôn hầu hết là đồng bào người Dao, người Mông đã cư trú ở đây nhiều đời, nhiều hộ còn có quan hệ anh em, họ hàng, tuy vậy trong cuộc sống cũng không ít lần xảy ra xích mích. Mới đây, hộ ông Lý Văn Sĩ và hộ ông Lý Văn Trúc vì tranh chấp đất đai mà mất đoàn kết. Vợ chồng anh Bình lại đứng ra làm “trọng tài” giải quyết. Sau những giải thích thấu tình, đạt lý, hai gia đình kia lại có thể ngồi chung mâm rượu, tình làng, nghĩa xóm được giữ gìn.

Tên thôn đọc lên mà ngại

Ông Bàn Văn Bách nhà ở ven sông Chảy quả quyết, trước đây đoạn sông Chảy qua thôn Kho Vàng đúng là có nhiều vàng. Chỉ ra bãi cát sỏi bên hữu ngạn, ông Bách bảo đấy là dấu vết bãi vàng còn sót lại. Câu chuyện ấy gợi cho chúng tôi suy nghĩ về nguồn gốc tên thôn nhưng ông Bách bảo không có liên quan gì. Những năm gần đây, đời sống bà con bớt khó khăn nhờ cây quế. Chẳng biết còn kho báu nào dưới đất không nhưng người dân nơi đây đang tự tạo cho mình một kho báu khác, ấy là bạt ngàn quế. Cả thôn có hơn 80 hộ, gần như nhà nào cũng có vài hecta quế. Cây quế như của để dành khi nào cần chi phí sinh hoạt hoặc có việc mới khai thác. Bởi thế nhìn từ trên cao, thôn được bao bọc bằng màu xanh của trùng điệp núi rừng, giữ được rừng cũng là giữ được nguồn nước, ấy là một kho báu khác nữa.

Chuyện ở Kho Vàng ảnh 2
Thủy điện dâng nước gây hỏng đường vào thôn Kho Vàng.
Chuyện ở Kho Vàng ảnh 3
Người dân vẫn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia.

Khi chúng tôi hỏi chắc ở đây ngày xưa có kho báu hay mỏ đá quý nên mới đặt tên như thế, chị Hân bảo ngượng lắm vì tên thôn đẹp mà thực tế thì vẫn còn nghèo lắm. Ấy là chưa kể bà con trong thôn còn thiệt thòi hơn các thôn khác khi nơi đây vẫn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia dù xã đã “về đích” nông thôn mới. Gần đây, thôn lại bị thủy điện “nuốt” mất con đường trục chính khiến việc đi lại khó khăn. Trong khi chờ chủ đầu tư khắc phục sự cố, toàn bộ nông sản của người dân đang ách tắc không thể tiêu thụ.

Sau cùng thì chúng tôi cũng biết được cái tên Kho Vàng hóa ra không có gì đặc biệt như nhiều người tưởng mà đơn giản là được đặt ghép chữ từ hai thôn Kho Lạt và Bản Vàng trước kia. Chị Hân nói vui: “Giá mà trong thôn có kho báu thật thì có lẽ các dự án kéo điện, sửa đường cho bà con có khi không bị chậm như bây giờ”.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hiệu quả quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi thủy sản

Hiệu quả quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi thủy sản

Thành bại của nuôi thủy sản phụ thuộc nhiều vào chất lượng nguồn nước tự nhiên. Đồng hành với người nuôi thủy sản, tỉnh Lào Cai chú trọng công tác quan trắc, cảnh báo môi trường nước trên địa bàn, phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản, góp phần phát triển nuôi hiệu quả, bền vững.

Hái chè cổ thụ vụ xuân ở Tả Củ Tỷ

Hái chè cổ thụ vụ xuân ở Tả Củ Tỷ

Tháng Tư hằng năm là thời điểm người dân xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà bắt đầu vào vụ thu hoạch lứa búp chè cổ thụ đầu tiên trong năm. Họ phải vượt núi, băng qua những cánh rừng, trèo lên cây chè cổ thụ cao vài mét để hái từng búp chè xanh non mơn mởn.

Cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu gạo

Cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu gạo

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 578 USD/tấn. Trong khi đó, gạo cùng chủng loại của Thái Lan đã giảm sâu trong tuần qua, xuống mức thấp hơn so với Việt Nam, đạt 575 USD/tấn, còn gạo của Pakistan là 587 USD/tấn. Thị trường gạo thế giới vẫn đang tiếp tục ghi nhận nhiều biến động từ cả phía các quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu gạo.

Chắc chắn hoàn thành mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng

Chắc chắn hoàn thành mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng

Mặc dù mới qua nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhưng có thể khẳng định mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng chắc chắn hoàn thành. Để làm rõ nội dung này, phóng viên Báo Lào Cai đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngăn chặn sâu đo hại quế lây lan ra diện rộng

Ngăn chặn sâu đo hại quế lây lan ra diện rộng

Hiện nay, tại một số địa phương như Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn có sâu đo gây hại mạnh trên cây quế với mật độ phổ biến 30 - 100 con/cây, cục bộ có nơi đến 200 con/cây. Ngành chức năng và các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, không để sâu lan ra diện rộng.

Từ loại quả bình dân thành sản phẩm OCOP

Từ loại quả bình dân thành sản phẩm OCOP

Ông Nguyễn Thế Yên, Cựu chiến binh ở thôn Sơn Mãn, xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai sớm nhận định đúng giá trị của quả chuối. Quyết định đầu tư vùng trồng chuối tiêu hồng sạch, cùng với việc làm chủ công nghệ dấm lạnh quả chuối, gia đình ông Yên đã đưa chuối tiêu hồng từ loại quả bình dân trở thành sản phẩm OCOP 3 sao chất lượng.

fb yt zl tw