Chậm như… giải ngân đầu tư công! ảnh 1
Ảnh minh họa.

Cộng hưởng cùng nhiều nguyên nhân khác, việc đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp kết hợp giá vật liệu xây dựng tăng cao… đã khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2021 đạt thấp. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần phải có các biện pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bộ Tài chính cho biết, ước tính giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2021 trong 5 tháng đầu năm mới chỉ đạt khoảng 102.000 tỷ đồng, chỉ bằng 22,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so cùng kỳ năm 2020. Nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt rất thấp, chỉ đạt dưới 15% như: Bắc Kạn mới đạt gần 7%; Cần Thơ mới đạt gần 9%... Đặc biệt, vẫn có đến tám Bộ mới có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt… dưới 1%.

Đồng thời, các số liệu kinh tế 5 tháng qua của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, các động lực tăng trưởng chính hiện nay là cỗ xe tam mã (xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư trong đó có đầu tư công) đều đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn hơn trước tác động của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4.

Nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2021 thấp. Theo phản ánh từ các Bộ, ngành, địa phương, là do đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách, phong tỏa khiến ảnh hưởng tới việc triển khai, thi công nhiều dự án. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng có thời điểm đã tăng cao khoảng 40% -50% so với đầu năm.

Hai yếu tố này cộng hưởng cùng nhiều nguyên nhân chủ quan khác đã vẽ nên bức tranh mang gam màu trầm về giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng qua. Mà có thể miêu tả rõ nét bằng hai chữ “chậm & thấp”!

Thực tế minh chứng, đầu tư công đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Nếu đầu tư công phát huy hiệu quả, không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho doanh nghiệp, ngành, địa phương, người lao động, mà còn góp phần hoàn thiện hạ tầng kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

Và đầu tư công được coi là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng lớn nhất hiện nay. Các dự án đầu tư công trọng điểm chậm hoàn thành theo tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công chậm, không chỉ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án, mà còn làm tăng áp lực nợ công cho Nhà nước.

Để đẩy nhanh triển khai các dự án, giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới, các chuyên gia cho rằng cần thực hiện quyết liệt các giải pháp để một mặt tiếp tục theo gỡ các vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật về đầu tư công, mặt khác thực hiện nghiêm các giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết cũng như các chỉ đạo mà Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã đưa ra...

Cụ thể, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn đầu tư kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ mới có Chỉ thị số 13/2021/CT-TTg yêu cầu đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Từng bộ, ngành, địa phương phải rà soát kỹ, giảm mạnh số lượng dự án, nhất là các dự án khởi công mới; kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho” và chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá thực hiện và khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng; kiên quyết cắt bỏ những dự án đầu tư chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả.

Theo các chuyên gia, việc giải ngân chậm và thấp đi nếu không được xử lý sớm chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng.

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, Chính phủ cũng chỉ rõ: “Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, chưa phát huy tốt vai trò kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng và dẫn dắt đầu tư tư nhân” và do đó phải tập trung quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.

Về cơ chế xử lý, thí dụ như qua giám sát phát hiện thấy có địa phương vẫn chậm, không thực hiện được tốt thì lãnh đạo các địa phương đó phải chịu trách nhiệm, thậm chí phải thay thế người khác nếu cần thiết cũng phải làm. Bởi đây là lúc mà chúng ta phải mạnh mẽ trong chuyện đó, bởi vì chúng ta không có thì giờ để đợi đến sang năm rồi lại vẫn thấy các dự án hạ tầng ì ạch thì nguy cơ rơi vào khủng hoảng, khó phục hồi nền kinh tế là rất lớn.

Trong khi đó, chính đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, cần kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ liên quan đến dự án có năng lực chuyên môn yếu hay có những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân; lấy kết quả giải ngân vốn của các đơn vị năm 2021 là tiêu chí để đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.

Do đó, trong ngắn hạn, bên cạnh nhiệm vụ thường trực là quyết liệt phòng chống dịch bệnh hiệu quả thì về mặt kinh tế, việc quyết liệt tháo gỡ và thúc đẩy đầu tư công trong nửa cuối năm cần trở thành ưu tiên trọng tâm, để cùng với đà phục hồi của xuất khẩu và tiêu dùng trong nước sẽ giúp cho kinh tế bật dậy trong nửa cuối năm nay, giúp lấy lại toàn bộ những “thiệt hại” về tăng trưởng GDP mà đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 gây ra, qua đó hoàn thành mục tiêu đã đặt ra cho cả năm.

Trong trung và dài hạn, các chuyên gia cho rằng, việc Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/CT-TT là kịp thời và cần thiết với mục tiêu tổng số dự án đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương của cả nước giai đoạn 2021 - 2025 được cắt giảm xuống chỉ còn khoảng trên 5.000 dự án. Trong đó, yêu cầu kiên quyết cắt bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả, các dự án khởi công mới. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang có nhiều dự án dự kiến khởi công mới phải bảo đảm từng dự án phải có giải trình cụ thể lý do và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết, hiệu quả đầu tư và sự tuân thủ các quy định pháp luật.

Như vậy, để đầu tư công thực sự là động lực tạo ra cú hích về hạ tầng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế thì những đồng vốn ngân sách ấy phải được sử dụng cho những dự án thực sự hiệu quả. Nghĩa là dù số lượng các dự án triển khai có giảm đi nhưng phải đảm bảo đã triển khai thì phải hoàn thành để đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả.

Chúng ta đã và đang thấy được tinh thần của Chính phủ là trong giai đoạn tới, kiên quyết nói không với tình trạng “xin - cho”, công trình dở dang không hẹn ngày hoàn thành, nguồn lực phân tán... Nên có thể tin rằng, nếu tinh thần này được lan tỏa thực sự và không rơi vào tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” thì sẽ không còn nghe dư luận than thở về tình trạng: chậm như… giải ngân đầu tư công như hiện nay.