Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kêu cứu, Bộ GTVT nói gì?

Theo Bộ GTVT, vốn bảo trì đường sắt 2021 đã có, nhưng Bộ GTVT không thể tự ý làm bất cứ vấn đề gì nếu không căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành.

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, việc giao dự toán ngân sách bảo trì hệ thống hạ tầng đường sắt quốc gia cho Cục Đường sắt Việt Nam là đang thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2020 hiện hành.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kêu cứu, Bộ GTVT nói gì? ảnh 1

Ngành đường sắt Việt Nam vừa có đơn "kêu cứu" gửi Thủ tướng Chính phủ và cho biết, nhiều tháng qua không có tiền trả lương cho nhân viên.

“Bộ GTVT không thể tự ý làm bất cứ vấn đề gì nếu không căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành”, đại diện Bộ GTVT khẳng định.

Ngành đường sắt "kêu cứu" Thủ tướng, nói sắp phá sản

Ngày 12/4/2021, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã có công văn Kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh "Đề xuất của Bộ GTVT đẩy doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản, nguy cơ triệt tiêu hoạt động vận tải đường sắt trong hệ thống GTVT".

Cụ thể, VNR nêu rõ những vướng mắc liên quan đến kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Năm 2021, VNR dự kiến được nhà nước giao 2.800 tỷ đồng để duy tu đường sắt và trả lương cho hơn 11.300 lao động. Tuy nhiên, 4 tháng qua, đơn vị này vẫn chưa được giao vốn.

Theo VNR, do vướng mắc về các quy định pháp luật nên đến nay chưa thể tiến hành ký hợp đồng đặt hàng bảo trì với 20 doanh nghiệp bảo trì đường sắt, vì thế các doanh nghiệp này chưa có kinh phí để mua vật tư đưa vào công trình, chi thường xuyên và trả lương cho người lao động.

Bộ GTVT khẳng định, việc giao vốn bảo trì đường sắt năm 2021 theo đúng các quy định pháp luật. Ảnh minh họa.

Bộ GTVT khẳng định, việc giao vốn bảo trì đường sắt năm 2021 theo đúng các quy định pháp luật. Ảnh minh họa.

"Các doanh nghiệp đường sắt phải nợ lương công nhân và chưa có kinh phí mua vật tư duy tu, bảo trì. Người lao động chỉ được tạm ứng một phần lương để duy trì cuộc sống", Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kêu cứu.

Việc nợ lương ảnh hưởng đến người lao động và nguy cơ cao là các lao động hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn đường ngang sẽ bỏ việc vì họ vốn là những người thu nhập thấp.

"Vấn đề này đã đẩy doanh nghiệp đến bước đường cùng, khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021", Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cảnh báo.

VNR kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục giao dự toán nguồn vốn sự nghiệp kinh tế (vốn bảo trì) cho công tác quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng (KCHT) đường sắt Quốc gia giai đoạn từ năm 2021 trở về sau cho Tổng công ty như các năm trước để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bộ GTVT không thể làm bất cứ việc gì nếu không có căn cứ pháp luật

Nói về kiến nghị trên của VNR, đại diện Bộ GTVT cho biết, trước đây VNR trực thuộc Bộ GTVT nên hàng năm, Bộ này duyệt kế hoạch bảo trì và giao vốn bảo trì cho Tổng công ty để Tổng công ty ký hợp đồng đặt hàng thực hiện với 20 doanh nghiệp bảo trì.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kêu cứu, Bộ GTVT nói gì? ảnh 3

Các doanh nghiệp đường sắt phải nợ lương công nhân và chưa có kinh phí mua vật tư duy tu, bảo trì. Người lao động chỉ được tạm ứng một phần lương để duy trì cuộc sống.

Tuy nhiên, tháng 11/2018 VNR được chuyển từ Bộ GTVT về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý, không còn trực thuộc Bộ GTVT quản lý nên theo Luật Ngân sách Nhà nước, Bộ GTVT không thể giao vốn các năm tiếp theo cho VNR như những năm trước đây. Nhưng do kế hoạch vốn bảo trì năm 2019 đã được VNR xây dựng, Bộ Tài chính chấp thuận trước thời điểm bàn giao nên VNR vẫn tiếp tục thực hiện.

Cuối năm 2019, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Bộ GTVT giao vốn bảo trì năm 2020 cho Cục Đường sắt Việt Nam để chủ trì triển khai thực hiện. Từ đây đã nảy sinh vướng mắc về các quy định pháp luật dẫn đến tháng 4/2020 vẫn không thể đặt hàng thực hiện bảo trì.

Để giải quyết các vướng mắc, khó khăn này trong quá trình chuyển tiếp, mặt khác ý kiến các Bộ, ngành liên quan chưa thực sự thống nhất trong việc thực hiện giao vốn bảo trì đường sắt năm 2020, Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ đã đồng ý giao vốn năm 2020 cho VNR để triển khai thực hiện.

Đối với việc giao vốn bảo trì đường sắt năm 2021, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 125/TB-VPCP ngày 25/3/2020 của Văn phòng Chính phủ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Công văn 8412/VPCP-KTTH ngày 7/10/2020 yêu cầu: “Bộ GTVT chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện bố trí, sử dụng kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia từ năm 2021 theo đúng quy định của pháp luật, kịp thời, hiệu quả, đồng thời bảo đảm chất lượng, ATGT đường sắt và chế độ cho người lao động”.

Việc nợ lương ảnh hưởng đến người lao động và nguy cơ cao là các lao động hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn đường ngang sẽ bỏ việc vì họ vốn là những người thu nhập thấp.

Việc nợ lương ảnh hưởng đến người lao động và nguy cơ cao là các lao động hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn đường ngang sẽ bỏ việc vì họ vốn là những người thu nhập thấp.

Đại diện Bộ GTVT cũng cho biết, căn cứ vào Khoản 1 Điều 49 Luật Ngân sách Nhà nước, Khoản 1 Điều 31 Nghị định 163/2016/NĐ-CP và ý kiến của Bộ Tài chính - Bộ chuyên ngành quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách, tháng 12/2020, Bộ GTVT đã có quyết định giao vốn bảo trì năm 2021 cho Cục Đường sắt Việt Nam. Cục Đường sắt Việt Nam là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về đường sắt, là đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc và là đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới nên việc giao vốn cho Cục chủ trì thực hiện hoàn toàn phù hợp với các văn bản, quy định pháp luật trên.

Cùng với việc giao vốn, Bộ chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện các thủ tục về đặt hàng bảo trì để việc bảo trì KCHT đường sắt năm 2021 được thường xuyên, liên tục và triển khai ngay từ đầu năm 2021.

Bộ GTVT cho biết đã chủ động thực hiện các bước để Cục Đường sắt Việt Nam triển khai ký hợp đồng đặt hàng bảo trì với các doanh nghiệp bảo trì đường sắt, tuy nhiên các doanh nghiệp chưa ký vì theo họ, chưa đủ điều kiện...

Không thương thảo ký hợp đồng vì còn “vênh” nhau

Theo Bộ GTVT, báo cáo của Cục Đường sắt Việt Nam, sau khi được Bộ GTVT phân giao kế hoạch và dự toán, ngay trong tháng 1/2021, Cục đã dự thảo các hợp đồng đặt hàng bảo dưỡng KCHT đường sắt quốc gia, quản lý, giám sát công tác bảo dưỡng KCHT đường sắt quốc gia; Tổ chức 5 cuộc họp với Tổng công ty Đường sắt VN và 4 cuộc họp với 20 công ty cổ phần đường sắt, thông tin tín hiệu đường sắt để triển khai nhiệm vụ đặt hàng bảo trì KCHT đường sắt quốc gia năm 2021.

Tuy nhiên, đến nay VNR và 20 công ty bảo trì đường sắt không đồng ý thương thảo ký hợp đồng đặt hàng vì theo Tổng công ty vẫn còn vướng mắc một số quy định pháp luật như: Điều 21 Luật Đường sắt, Điều 10 Nghị định số 46 và Luật Đấu thầu.

Cũng tại các cuộc họp với Cục Đường sắt Việt Nam, 20 công ty bảo trì cho biết, Tổng công Đường sắt Việt Nam giữ trên 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp, nên theo quy định của Luật Doanh nghiệp, khi doanh nghiệp cổ phần ký hợp đồng đặt hàng có giá trị hợp đồng trên 35% giá trị tài sản doanh nghiệp, thì người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại doanh nghiệp phải xin chủ trương của Hội đồng thành viên VNR và thông qua Đại hội cổ đông công ty. Đến nay, Tổng công ty chưa chấp thuận cho phép, do đó các công ty chưa đủ điều kiện để ký hợp đồng đặt hàng với Cục Đường sắt Việt Nam.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kêu cứu, Bộ GTVT nói gì? ảnh 5

Bộ GTVT không thể làm bất cứ việc gì nếu không có căn cứ pháp luật, nên việc ký hợp đồng để triển khai nhiệm vụ đặt hàng bảo trì KCHT đường sắt quốc gia năm 2021 cũng phải theo quy định.

Theo đại diện Bộ GTVT, việc giao dự toán bảo trì cho Cục Đường sắt Việt Nam để tổ chức thực hiện bảo trì KCHT đường sắt quốc gia là phù hợp với quy định của Luật Đường sắt. Trong đó, Cục Đường sắt Việt Nam - Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đường sắt ký hợp đồng đặt hàng với các doanh nghiệp bảo trì do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nắm giữ 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp, là đơn vị thực hiện bảo dưỡng công trình đường sắt.

Cục Đường sắt Việt Nam cũng ký hợp đồng đặt hàng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để kiểm tra, giám sát và quản lý công tác bảo dưỡng công trình đường sắt. Các chủ thể ký hợp đồng này đáp ứng đầy đủ điều kiện đặt hàng theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP.

Như vậy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp bảo trì thuộc Tổng công ty vẫn trực tiếp thực hiện việc công tác quản lý bảo trì và bảo trì công trình theo đúng ngành nghề đăng ký kinh doanh, đảm bảo tuân thủ theo quy định của Luật Đường sắt nhưng phải thông qua cơ chế đặt hàng theo quy định của Nghị định 32/2019/NĐ-CP.

“Rõ ràng Bộ GTVT đã tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các quy định pháp luật trong việc thực hiện bố trí, sử dụng kinh phí bảo trì KCHT đường sắt. Đồng thời đã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp bảo trì nhanh chóng ký hợp đồng, để đảm bảo công tác bảo trì hạ tầng đường sắt cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh, chế độ cho người lao động của doanh nghiệp”, đại diện Bộ GTVT nhấn mạnh.

Về giải pháp để tháo gỡ những khúc mắc hiện nay, đại diện Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt VN nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, có ý kiến đồng ý cho các đơn vị thành viên Tổng công ty nắm quyền chi phối ký hợp đồng bảo dưỡng KCHT đường sắt quốc gia với Cục Đường sắt Việt Nam. Qua đó khẩn trương tiếp nhận dự toán nguồn sự nghiệp kinh tế và thực hiện công tác bảo trì KCHT đường sắt quốc gia năm 2021 nhằm đảm bảo đời sống của cán bộ, công nhân đường sắt cũng như đảm bảo an toàn KCHT đường sắt.

Đại diện Bộ GTVT cũng cho biết, trong khi chờ triển khai đặt hàng bảo trì đường sắt, ngay từ đầu năm 2021 Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt VN thường xuyên kiểm tra, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình, an toàn chạy tàu.

VOV

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cải thiện quyền lợi của lao động nữ

Cải thiện quyền lợi của lao động nữ

Theo chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024; trong đó, có nhiều nội dung liên quan trực tiếp, tác động sâu rộng tới quyền và lợi ích của người lao động. Một trong những vấn đề người lao động, nhất là lao động nữ quan tâm là quy định về trợ cấp thai sản. Chính sách nêu trên có vị trí quan trọng trong hệ thống BHXH, ảnh hưởng đến nhiều người lao động trong xã hội và cả thế hệ tương lai đất nước.

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Tôi có đứa em họ học ngành Dược, ra trường đi làm 2 năm nhưng thay đổi công việc 3 lần, với lý do “chưa tìm được công ty phù hợp”. Người ta phàn nàn cậu “ít nói, ngại giao tiếp” cho dù chuyên môn không hề kém.

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Sau bốn năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Lào Cai đã tập trung các nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án thành phần của Chương trình. Từ đó, tạo sinh kế, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Tỉnh Lào Cai hiện có hơn 24.000 người đang được chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, chỉ chiếm khoảng 31,3% tổng số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, số còn lại nhiều người phải chật vật mưu sinh với nỗi lo cơm áo và bệnh tật khi không có thu nhập ổn định.

fb yt zl tw