Làm những việc có ích cho người dân

LCĐT - Tôi gặp Vàng A Tùng lần đầu cách đây 4 năm. Khi ấy, anh là Trưởng thôn Ngải Thầu Thượng, thôn cao và xa nhất xã Ngải Thầu (Bát Xát). Năm 2020, khi xã Ngải Thầu sáp nhập vào xã A Lù, chàng trai trẻ người Mông sinh năm 1992 Vàng A Tùng đã là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã A Lù, kiêm Bí thư Chi bộ Ngải Thầu Thượng. Vẫn gương mặt hiền lành, ít nói, nhưng bất kể công việc gì của thôn, của xã, anh luôn năng nổ, nhiệt tình.

Làm những việc có ích cho người dân ảnh 1

Vàng A Tùng luôn vững tin vào con đường giúp thanh niên vùng cao khởi nghiệp.

Làm giàu trên núi Ma Cha Va

Thôn Ngải Thầu Thượng nằm trên dãy núi Ma Cha Va cao nhất khu vực xã Ngải Thầu, với độ cao trên 2.000 m so với mực nước biển. Đó là bản Mông được lập nên do những người trẻ di chuyển từ dưới Ngải Thầu Hạ lên sinh sống cách đây nhiều năm. Không nói đâu xa, chỉ cách đây 5 năm, Ngải Thầu Thượng còn muôn vàn khó khăn, cả thôn chưa có hộ nào xây nhà. Vậy mà hôm nay, bản Mông đã thay đổi rõ nét, những căn nhà xây “mọc” lên khang trang giữa biển mây. Đồng bào Mông nhà nào cũng có xe máy, ti vi, trẻ em được học hành đầy đủ.

Người đi đầu trong việc thay đổi tập quán canh tác, mạnh dạn trồng loại cây mới nâng cao thu nhập không khác chính là Vàng A Tùng. Sinh ra trên đỉnh núi này, Vàng A Tùng là số ít thanh niên đi học đại học. Năm 2015, Vàng A Tùng tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, chuyên ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên. Mang trong mình khát vọng cống hiến cho quê hương, Vàng A Tùng trở về Ngải Thầu Thượng bắt đầu hành trình khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Từ nhỏ gắn bó với vùng đất này, anh là người hiểu rõ khí hậu, đất đai ở đây. Nhận thấy ở một số thôn, bản, người dân trồng củ hoàng sin cô, còn gọi là củ sâm đất, có nhiều người mua, nên Vàng A Tùng trồng thử nghiệm 30 kg giống, bán củ thu được 5 triệu đồng.

Năm sau, củ sâm đất được nhiều người tìm mua, xuất bán trong tỉnh và cả về Hà Nội. Vàng A Tùng vận động gia đình trồng 200 kg củ giống, thu về hơn 50 triệu đồng. Anh vay Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng để chăn nuôi trâu, bò, lợn, tiếp tục trồng hơn 1 ha sâm đất và chuyển sang trồng một số loại cây ăn quả như lê, mận. Đến nay, anh đã có 4 ha cây thảo quả, 2,5 ha cây ăn quả ôn đới, thu nhập hằng năm hơn 100 triệu đồng. Để có được tài sản như thế, anh đã phải vượt qua rất nhiều gian khó. Có những thời điểm, Vàng A Tùng không khỏi băn khoăn, do dự, lo lắng trước những hướng đi mới của mình.

“Những lúc gặp khó khăn, tôi luôn nhớ tới lời dạy của Bác Hồ dành cho thanh niên: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Lời dạy của Bác Hồ là động lực để tôi thêm ý chí, niềm tin vượt qua khó khăn, quyết tâm thực hiện các dự định của bản thân”, Vàng A Tùng chia sẻ.

Nỗ lực giúp dân thoát nghèo

Không chỉ làm giàu cho bản thân, với vai trò Phó Bí thư Đoàn xã A Lù kiêm Bí thư Chi bộ thôn Ngải Thầu Thượng, Vàng A Tùng tích cực vận động đảng viên, thanh niên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập, xây dựng mô hình kinh tế thanh niên. Thôn Ngải Thầu Thượng có gần 90 hộ, đều là đồng bào Mông và đa số là gia đình trẻ. Vì mới lập nghiệp nên kinh tế các hộ còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo có thời điểm gần 50%. Vàng A Tùng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác với tổng dư nợ gần 5 tỷ đồng, duy trì hoạt động của 4 tổ tiết kiệm vay vốn, cho 1.414 hộ vay. Từ đây, thanh niên vùng cao A Lù có nguồn vốn để khởi nghiệp.

Năm 2019, Vàng A Tùng còn vận động người dân trong thôn trồng 10 ha hoàng sin cô, bán cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hơn 80 tấn củ và bán cho tư thương 30 tấn củ. Năm 2020, anh động viên bà con tiếp tục trồng 20 ha hoàng sin cô, bán ra thị trường hơn 200 tấn củ. Nhờ đó, đồng bào Mông nơi đây có thêm thu nhập, nhiều hộ đã thoát nghèo. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả thôn chỉ còn 2,3%. Bản thân Vàng A Tùng đã trực tiếp giúp 5 hộ thoát nghèo.

Thực hiện phong trào khởi nghiệp trong thanh niên, Phó Bí thư Đoàn xã A Lù Vàng A Tùng thường xuyên phối hợp với các tổ chức giới thiệu việc làm cho thanh niên trong xã. Nhiều thanh niên đã đi làm nghề may ở tỉnh Hưng Yên, làm công nhân ngành than ở Quảng Ninh, làm công nhân công ty Samsung ở Bắc Ninh… Anh đề xuất với lãnh đạo xã cho mở các lớp dạy nghề xây dựng, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để bà con tiếp cận với cách làm mới trong sản xuất nông nghiệp.

Để phong trào xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, Vàng A Tùng tuyên truyền đồng bào Mông trong thôn thay đổi tập tục lạc hậu, thay đổi từ những việc nhỏ trong sinh hoạt hằng ngày, làm nhà vệ sinh sạch sẽ, xây chuồng gia súc xa nhà, tích cực hiến đất làm đường giao thông… Để bà con làm theo, anh chủ động hiến 220 m2 đất của gia đình làm đường liên thôn.

2 năm qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Vàng A Tùng tích cực tuyên truyền cho bà con, nhất là thanh niên nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, không xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, không tập trung đông người. Vàng A Tùng còn vận động người dân không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, xa lánh các tệ nạn xã hội. Vì thế, Ngải Thầu Thượng là thôn cao, xa nhất xã A Lù nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, tình hình an ninh, trật tự đảm bảo, bà con yên tâm sinh sống và sản xuất.
Với khát vọng và đam mê cống hiến, bằng những việc làm thiết thực của tuổi trẻ, đảng viên trẻ Vàng A Tùng trở thành tấm gương sáng để thanh niên, đồng bào Mông làm theo. Năm 2020, Vàng A Tùng là một trong số ít cá nhân tiêu biểu của tỉnh vinh dự được dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc và được phát biểu tại Đại hội. “Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục học và làm theo lời dạy của Bác Hồ, phát huy sức trẻ, cố gắng hết mình để làm những việc có ích giúp đồng bào Mông phát triển kinh tế, cải tạo tập tục lạc hậu, xây dựng quê hương thêm giàu đẹp”, Vàng A Tùng bộc bạch.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cải thiện quyền lợi của lao động nữ

Cải thiện quyền lợi của lao động nữ

Theo chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024; trong đó, có nhiều nội dung liên quan trực tiếp, tác động sâu rộng tới quyền và lợi ích của người lao động. Một trong những vấn đề người lao động, nhất là lao động nữ quan tâm là quy định về trợ cấp thai sản. Chính sách nêu trên có vị trí quan trọng trong hệ thống BHXH, ảnh hưởng đến nhiều người lao động trong xã hội và cả thế hệ tương lai đất nước.

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Tôi có đứa em họ học ngành Dược, ra trường đi làm 2 năm nhưng thay đổi công việc 3 lần, với lý do “chưa tìm được công ty phù hợp”. Người ta phàn nàn cậu “ít nói, ngại giao tiếp” cho dù chuyên môn không hề kém.

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Sau bốn năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Lào Cai đã tập trung các nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án thành phần của Chương trình. Từ đó, tạo sinh kế, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Tỉnh Lào Cai hiện có hơn 24.000 người đang được chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, chỉ chiếm khoảng 31,3% tổng số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, số còn lại nhiều người phải chật vật mưu sinh với nỗi lo cơm áo và bệnh tật khi không có thu nhập ổn định.

fb yt zl tw