“Giá” của sáng tạo

 Trong nghệ thuật, vay mượn ý tưởng để sáng tạo cái mới hay ho hơn dường như... không mới. Cái giá của việc “tham khảo”, vay mượn không hề nhỏ, ảnh hưởng danh dự, đánh vào cái tôi nghệ sĩ một cách trực diện.

Vụ việc gây tranh cãi rằng đạo hay không đạo trong sản phẩm âm nhạc gần đây nhất của ca sĩ Sơn Tùng M-TP một lần nữa dấy lên chuyện vay mượn, mua bán trong sáng tạo. Dù rằng, việc mua bán beat (nhạc đệm) đã trở nên quá đỗi bình thường và việc đạo nhái thật khó phân định; dù rằng, một beat nhạc giống nhau ở hai ca khúc chưa hẳn đủ để gọi là đạo nhạc, bởi thị trường có những nhạc sĩ chuyên làm beat nhạc bán cho nhiều nhạc sĩ sáng tác. Thế nhưng, là một nghệ sĩ thực thụ, khi nghe những lời dị nghị rằng bài hát của mình giống ở đâu đó, thử hỏi có tổn thương không? Nếu không, sự vô cảm đó thật đáng sợ.

Ồn ào vay mượn ý tưởng, tham khảo, thậm chí “đạo nhái”, rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác, từ văn học, phim ảnh, kịch nghệ, thời trang, nhiếp ảnh đến mỹ thuật (hội họa, điêu khắc…) đều đầy rẫy. Đến mức, người ta hồ nghi, có phải một bộ phận nghệ sĩ bây giờ lười sáng tạo khi nhìn đâu cũng thấy “tham khảo”, “remake” (làm lại)… Trong lĩnh vực phim ảnh, thay vì tạo nên những kịch bản riêng, hay ho thì nhiều đơn vị, nhà làm phim trẻ chạy theo xu hướng “làm lại” kịch bản nước ngoài. Cũng có vài phim thổi luồng gió mới nhưng thật sự đa phần là những bản sao mờ nhạt, khiên cưỡng với văn hóa Việt. Trong văn chương, ai cũng hiểu sẽ chẳng thể nào có bản sao. Thế mà, không ít lần, chuyện “đạo văn”, “đạo thơ” xảy ra. Giới văn chương, độc giả từng sửng sốt khi truyện ngắn Biến mất (tác giả Kai Hoàng) bị phát hiện là “chị em sinh đôi” với truyện ngắn Những biển của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trong một cuộc thi mà tác giả “bản chính” là giám khảo. Rồi trong nhiều cuộc thi sáng tác tranh, ảnh cổ động, cũng hay lùm xùm chuyện “kế thừa”, “phát triển” từ một tác phẩm khác, có khi “bê nguyên xi” nhận vơ luôn tác phẩm.

Từ nghệ thuật đến đời sống, tưởng xa mà gần, cũng đầy rẫy chuyện vay mượn. Không ít lần người ta thắc mắc sao biên soạn sách giáo khoa cứ phải vay mượn “phỏng theo” nước ngoài trong khi kho tàng cổ tích, ngạn ngữ Việt rất nhiều. Rồi cả cách ăn mặc của người trẻ, thay vì trang phục Việt (áo dài), không ít người cứ chưng diện kimono, sườn sám, hanbok… vào dịp lễ, tết truyền thống.

Trong hằng hà sa số nghệ sĩ trẻ, vẫn có những cái tôi nghệ thuật đặc biệt. Thời gian qua, khi thị trường tràn ngập những bài hát na ná nhạc Trung Quốc, Hàn Quốc, Âu - Mỹ… đã có những nhạc sĩ trẻ không cần vay mượn, vẫn sáng tạo tác phẩm trên nền tảng văn hóa dân gian mà không cần “nhân bản” ca khúc. Trong dòng chảy âm nhạc đương thời, Ngũ Cung đã và đang tạo nên trải nghiệm thú vị cho người nghe khi kết hợp âm nhạc dân tộc với những thể loại âm nhạc thời thượng khác. Và nhiều nghệ sĩ trẻ đã biết cách vận dụng Ngũ Cung đúng cách, góp phần tạo nên cá tính, màu sắc âm nhạc riêng.

Đã làm nghệ thuật nhất định phải có sáng tạo. Đó là điều bắt buộc và cũng là niềm kiêu hãnh riêng của người nghệ sĩ. Sáng tạo phải tạo cái mới, có tính đột phá và biên độ của sự sáng tạo mỗi thời kỳ mỗi khác. Nghệ sĩ lười sáng tạo hay sợ sáng tạo quá đà? Thực tế, có những sáng tạo hơi quá nhưng khán giả giờ đã khá mở lòng, sẵn sàng chấp nhận những thứ sáng tạo đó và cho rằng đó là tuổi trẻ. Vậy thì tại sao nghệ sĩ trẻ lại không thử sáng tạo thứ nghệ thuật thứ thiệt của riêng mình mà phải “vay mượn” khắp nơi?

Thời buổi công nghệ 4.0, người nghe, người xem rất dễ phát hiện ra tác phẩm nào “tương đồng” tác phẩm nào, dù để đánh giá đúng - sai, thật - giả vẫn còn lắm tranh cãi. Thế nên, đã chọn con đường nghệ thuật, nghệ sĩ cần nỗ lực sáng tạo hơn, tạo ra xu hướng mới mẻ; tạo nên giá trị riêng, không lẫn vào đâu được. Sự trả giá trong vay mượn, sao chép nghệ thuật tưởng dễ dàn xếp bằng lời xin lỗi, bằng tiền nhưng đôi khi đánh đổi bằng cả sự nghiệp, cuộc đời.

Báo SGGP

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cải thiện quyền lợi của lao động nữ

Cải thiện quyền lợi của lao động nữ

Theo chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024; trong đó, có nhiều nội dung liên quan trực tiếp, tác động sâu rộng tới quyền và lợi ích của người lao động. Một trong những vấn đề người lao động, nhất là lao động nữ quan tâm là quy định về trợ cấp thai sản. Chính sách nêu trên có vị trí quan trọng trong hệ thống BHXH, ảnh hưởng đến nhiều người lao động trong xã hội và cả thế hệ tương lai đất nước.

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Tôi có đứa em họ học ngành Dược, ra trường đi làm 2 năm nhưng thay đổi công việc 3 lần, với lý do “chưa tìm được công ty phù hợp”. Người ta phàn nàn cậu “ít nói, ngại giao tiếp” cho dù chuyên môn không hề kém.

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Sau bốn năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Lào Cai đã tập trung các nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án thành phần của Chương trình. Từ đó, tạo sinh kế, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Tỉnh Lào Cai hiện có hơn 24.000 người đang được chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, chỉ chiếm khoảng 31,3% tổng số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, số còn lại nhiều người phải chật vật mưu sinh với nỗi lo cơm áo và bệnh tật khi không có thu nhập ổn định.

fb yt zl tw