Tự tình với những đỉnh núi

LCĐT - Nhìn chúng tôi lịch kịch chuẩn bị hành trang, một nhóm khách vừa xuống núi nhìn tôi ái ngại hỏi: “Uầy, có leo được không đấy, núi cao lắm đó em ơi!”. Tôi hốt hoảng đưa mắt nhìn A Hờ - người nhận tour leo núi của chúng tôi.

- Chị nặng bao nhiêu cân? - A Hờ bất ngờ hỏi tôi.

- Khoảng 45 - 46 cân, anh ạ!

- Úi giời, thế không sợ đâu, nhẹ như thế nếu không đi được, porter nhà em vác thẳng lên núi - A Hờ khẳng định chắc nịch.

Ý chí quyết định cung đường

Cung đường chinh phục Lảo Thẩn với cảnh sắc núi non hùng vỹ.

Nhìn anh porter (người mang đồ, dẫn đường) có tên là A Súng, dáng người nhỏ con, có vẻ không nặng hơn tôi là mấy với chiếc gùi đầy ắp đồ dùng, chẳng biết A Hờ nói thật hay không nhưng tôi tin tưởng. Bởi lẽ, nếu nói về năng lực leo núi, ngoài niềm tin ra, tôi không còn bất cứ điều gì để động viên chính mình. Chúng tôi xuất phát hành trình chinh phục đỉnh Lảo Thẩn - “nóc nhà” Y Tý (huyện Bát Xát).

Chúng tôi leo đỉnh Lảo Thẩn vào dịp cuối năm, cũng là mùa lý tưởng để “săn mây”. Đoàn chúng tôi dự kiến có 6 người nhưng ngày xuất phát, thành phố Lào Cai có mưa nên 2 người bỏ cuộc. Đến Y Tý, khi chuẩn bị hành trang, nghe “rì-viu” của những đoàn đi trước thì thêm 1 người nữa lựa chọn nghỉ ngơi dưới chân núi đợi đoàn quay về. Quân số của chúng tôi chỉ vỏn vẹn 3 người, cộng thêm anh porter nữa là 4. Xuất phát cùng đoàn chúng tôi có một nhóm khác gồm 5 thanh niên rất trẻ và 1 porter cũng trẻ măng. Chúng tôi gộp thành một đoàn.

Sau khi gửi xe ở nhà dân dưới chân núi, chúng tôi mỗi người một ba lô cá nhân bắt đầu đi bộ theo con đường đất nhỏ dọc những nương ngô để đi vào. Đi được nửa cây số, Đào Bằng An, cậu em kết nghĩa của tôi đến từ Hải Phòng, cất tiếng hỏi: “Sắp tới chưa anh?”.

A Súng tưởng mình nghe nhầm, quay lại tròn mắt “hả” một tiếng. An hỏi lại lần nữa. A Súng nghệt mặt ra không biết phải trả lời thế nào, nên đành bỏ điện thoại ra xem giờ rồi bảo: “Nãy giờ mình mới đi được 15 phút, đi nhanh thì 4 tiếng đồng hồ đến lán nghỉ, đi chậm thì 6 tiếng đồng hồ nữa”.

Chúng tôi vừa đi vừa hỏi chuyện, vừa làm quen với 2 anh porter và nhóm bạn đồng hành. Quãng đường này không quá khó đi, ngoại trừ việc trời mưa khiến đường trở nên trơn trượt. Vấn đề thực sự nằm ở chỗ đi được thêm 15 phút nữa, An lại hỏi A Súng: “Anh ơi, thế mình đi được nửa đường chưa?”. Ai cũng đoán An đã bắt đầu nản.

A Súng thêm một lần nữa lắc đầu ngao ngán nhưng tiếp tục động viên: “Được một nửa của một nửa, của một nửa đường rồi. Cố lên em ơi, nếu mà mình nghĩ gần thì sẽ gần hơn, dễ đi hơn đấy”. Tôi cảm nhận được rõ anh Súng “nói điêu” bởi những con dốc trước mặt đã bắt đầu dựng, mặt đất thì ngấm nước, bùn nhão trơn trượt, từng hộc đá thì cứ như nhọn hơn, nham nhở hơn…

Tôi bắt đầu đuối sức vì mệt, vì lạnh bởi ngấm nước mưa, nên quay sang hỏi cậu thanh niên thư sinh xem có muốn bỏ cuộc giống mình hay không. Thế nhưng, An quay lại nhìn tôi cười nhăn nhở: “Sắp đến rồi chị ơi. Leo đi nào, leo đi. Sắp đến rồi anh Súng nhỉ”. Cứ như thế, câu chuyện cứ dài ra theo dọc con đường. Mãi đến lúc quay về tôi mới biết hóa ra câu hỏi của An không phải vì nản chí mà chỉ vì tò mò và muốn bắt chuyện với anh porter ít nói. Suốt hành trình dài, người giữ được tốc độ di chuyển đều, người động viên cả đoàn, người kéo tay tôi cho khỏi trượt, người vác ba lô hộ tôi lại là cậu em liên tục hỏi “sắp đến chưa” ấy.

Những người bạn mới

Đoàn leo núi có 8 người thì có 8 tính cách, 2 porter cũng có 2 tính cách khác nhau. Trong đoàn leo núi, tôi ấn tượng với một thanh niên tên Diện đến từ Bắc Ninh. Suốt hành trình, chàng trai trẻ không phải thở gấp một lần nào, cứ thế điềm nhiên khoanh 2 tay trước ngực mà đi. Giải đáp thắc mắc của tôi, chàng trai trẻ khác tên là Tính dõng dạc: Xin trân trọng giới thiệu với chị và quý bạn đồng hành leo núi, tôi là Nguyễn Văn Tính, tức Tính “thổ”, còn đây là bạn của tôi, anh Đỗ Trọng Diện (chỉ sang phía Diện) là lính bộ binh mới xuất ngũ, nên đi bộ là nghề rồi!

Chập tối, chúng tôi đặt chân tới lán nghỉ ở lưng chừng một mỏm núi. Cái lạnh xéo xắt theo từng đợt gió rít luồn qua kẽ hở trên những tấm gỗ ghép lại với nhau thành tường nhà. Porter giúp chúng tôi chuẩn bị bữa tối trong căn bếp mịt mùng khói bởi củi ướt, bởi ngoài trời sương dày đặc, khói thì cứ quẩn trong căn bếp nhỏ như bị nhốt không thoát được ra ngoài. Không khí ẩm tới mức tấm xốp giữ nhiệt được trải trên các phản gỗ làm chỗ ngủ, tấm xốp phủ trên mái nhà đọng đầy nước. Sáng dậy, lớp chăn bên ngoài cũng đẫm nước bởi sương trắng.

Tự tình với núi

A Súng đồng hành, giúp đỡ chúng tôi trong suốt hành trình.

Và rồi, hành trình chinh phục đỉnh núi trong ngày mưa của chúng tôi được Lảo Thẩn đền đáp bằng biển mây trắng muốt vào buổi sớm hôm sau. Quãng đường “nước rút” từ lán ngủ lên đỉnh núi hiểm trở nhất với những con dốc cao dựng đứng, phải bám theo từng triền đá, bấu chặt vào những nhành trúc lùn mọc hoang để leo lên. Tôi cảm tưởng như đôi chân phản bội mình không thể nhấc lên một bước nào nữa. Tôi bảo A Súng: Anh ơi, chắc em dừng lại ở đây, em không đi được nữa!

A Súng đùa: Đoạn này dốc đứng đấy, không cõng được lên đỉnh núi đâu, cõng nhau lên là cùng nhau lăn xuống đấy!

Biết tôi thích món măng trúc, tối qua A Súng xào với ít mỡ gà và muối trắng, anh dụ: Quãng đường từ chỗ này lên núi nhiều măng trúc lắm, mình vừa đi vừa bẻ, lên đến đỉnh cũng được một bó đem xuống núi làm quà rồi.

Lúc chúng tôi leo lên núi cũng là lúc nhiều đoàn từ trên núi trở xuống. Đam mê chinh phục những đỉnh cao khiến khoảng cách của những người xa lạ như bị xóa bỏ. Mỗi đoàn quay xuống đều để lại cho chúng tôi một lời động viên ngọt ngào, có người vỗ vai bảo: “Cố lên em ơi. Trên núi có biển mây đẹp quá trời luôn”, rồi “Cố lên, leo đến lưng chừng dốc rồi còn lý do gì mà bỏ cuộc chứ”… 

Tôi leo nốt hành trình bằng ý chí chứ không phải sức lực. Lên tới đỉnh Lảo Thẩn, Tính “thổ” bắt đầu quay clip để ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt. Tính nói: Chúng tôi đã hoàn thành thử thách chinh phục đỉnh Lảo Thẩn cao 2.860 m so với mực nước biển. Chúng tôi đã làm được, còn bạn thì sao?

Tôi lẩm nhẩm trả lời trong đầu: “Tôi đã chiến thắng đôi chân của mình. Tôi đã chiến thắng ý định muốn bỏ cuộc bám theo suốt một hành trình. Vậy là tôi chiến thắng chính mình chứ không phải chỉ là một đỉnh núi”. Với tôi, cảm giác ngồi trầm tư, nghỉ ngơi sau hành trình dài trên đỉnh núi cao vời vợi, dưới chân là biển mây mênh mông là một cảm giác rất “tình”. Nhiều người cũng giống tôi, bỗng trở nên trầm tư, theo đuổi những ý nghĩ của riêng mình.

Sau khi trở về, đặt chân đến thành phố với đôi chân rã rời, toàn thân đau nhức, tôi tự hứa với bản thân mình rằng sẽ không bao giờ leo núi nữa. Thế nhưng, khi đôi chân hết mỏi, khi nhìn những bức ảnh của những người chinh phục đỉnh cao tôi lại quên mất lời hứa ấy. Chẳng biết từ bao giờ, việc điểm danh trên những “nóc nhà” lại trở thành một đam mê. Bắt đầu từ Lảo Thẩn, tôi và những người bạn tìm tới Nhìu Cồ San (Sừng Trâu), Ky Quan San (Bạch Mộc Lương Tử) rồi Tà Chì Nhù… Mỗi đỉnh núi là một hành trình riêng biệt, để lại những cảm xúc riêng biệt nên người leo núi không thể chỉ chiến thắng bằng kinh nghiệm, bằng sức khỏe mà phải dùng cả ý chí, sự quyết tâm và hơn hết, người ta cần có tình yêu với những đỉnh núi cao.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Xôi miền sơn cước

Xôi miền sơn cước

Cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam có nhiều nét văn hóa độc đáo, trong đó, có nghệ thuật ẩm thực.

Gần 80.000 khách đến tham quan, mua sắm tại VITM Hà Nội 2024

Gần 80.000 khách đến tham quan, mua sắm tại VITM Hà Nội 2024

Sau 4 ngày diễn ra sôi nổi (từ 11 đến 14/4), Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024 đã thu hút gần 4.000 doanh nghiệp du lịch Việt Nam và quốc tế đến làm việc, gần 80.000 khách đến tham quan, mua sắm. Đó là thông tin vừa được bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Phó Trưởng Ban tổ chức Hội chợ cung cấp tại Lễ bế mạc VITM Hà Nội 2024 vừa diễn ra chiều ngày 14/4 tại Hà Nội.

Đào tạo đội ngũ nhân lực du lịch Việt Nam đáp ứng chuẩn quốc tế

Đào tạo đội ngũ nhân lực du lịch Việt Nam đáp ứng chuẩn quốc tế

Để nâng cao khả năng phục vụ du khách và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chuẩn quốc tế đáp ứng những đòi hỏi mới của sự phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay đóng vai trò quyết định. Tuy nhiên, vấn đề chuyên nghiệp hóa trình độ, kỹ năng đội ngũ nhân lực du lịch Việt Nam đang gặp nhiều thách thức, đòi hỏi những giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Lào Cai quảng bá du lịch tại Hội chợ du lịch quốc tế - VITM Hà Nội 2024

Lào Cai quảng bá du lịch tại Hội chợ du lịch quốc tế - VITM Hà Nội 2024

Hội chợ du lịch quốc tế - VITM Hà Nội 2024 có chủ đề “Du lịch Việt Nam - chuyển đổi xanh để phát triển bền vững” được tổ chức từ ngày 11 đến 14/4 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế I.C.E (91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tỉnh Lào Cai có nhiều sản phẩm hấp dẫn, đặc trưng tham gia trưng bày tại hội chợ.

Hình thành văn hóa xanh để phát triển ngành du lịch bền vững

Hình thành văn hóa xanh để phát triển ngành du lịch bền vững

Ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ trái đất đã trở thành nhu cầu cấp thiết của toàn thế giới. Trước tình hình ấy, ngành du lịch Việt Nam từng bước chuyển đổi xanh, triển khai loại hình du lịch dựa trên việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường sống.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019... Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

fb yt zl tw