Thắm sắc bên sông biên giới

LCĐT - Nhiều người biết đến Bát Xát là nơi có sông Hồng ngoằn ngoèo suốt chiều dài chừng 60 cây số làm biên giới Việt - Trung rồi mới chảy hẳn vào nước ta để mang tên sông Mẹ thân thương. Trong ngành công nghiệp, người ta biết Bát Xát có mỏ đồng lớn nhất Đông Nam Á, với trữ lượng chừng 53 triệu tấn quặng chứa 12% Cu cùng quặng sắt, lưu huỳnh, đất hiếm và một số kim loại khác... Mấy chục năm nay, nhiều người biết đến một Bát Xát đang chuyển mình mạnh mẽ trong thay thế cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, làm nên vườn hoa xuân rực sắc ngát hương.

Mô hình trồng dưa lưới theo quy trình công nghệ cao ở xã Quang Kim.

Nông dân Bát Xát có truyền thống làm nông nghiệp. Truyền thống ấy thấm sâu trong câu tục ngữ của dân tộc Giáy: “Ná xay ẳm lạp, rạp hẫu rắc hãn”, nghĩa là: “Tháng chạp cày ủ, gánh thóc gãy đòn”. Điều ấy được đời cha truyền dặn cho đời con cháu trong sử thi của người Hà Nhì: “Muốn cỏ nát, đất mềm, rạ mục, cuối mùa đông nước ruộng phải đầy”. Từ xưa, người Bát Xát đã kết hợp nhuần nhuyễn kinh nghiệm sản xuất và tinh thần lao động cần cù: “Trồng cấy phải nhiều công, đọc sách phải khổ luyện” đã ngân cao xa trong tiếng hát của người Dao đỏ: “Cành choáng nổng công săm. Tộ sâu nổng mò săm”…

Giàu truyền thống canh tác, vất vả một nắng hai sương và nếu mưa thuận gió hòa thì trước đây, bằng nghề canh nông, người Bát Xát cũng chỉ đủ ăn đủ mặc, không bị đói rách đã là mừng lắm. Khi bước vào cơ chế thị trường, ngắm nhìn đường dây điện cao thế lung linh in hình xuống mặt nước ruộng, nông dân Bát Xát nghĩ: Nếu chỉ lo thóc tràn kho thì chưa phải là cách nghĩ, cách làm ăn trong thời đại mới. Phải trồng cấy những cây có giá trị cao để mỗi tấc đất thực sự là một tấc vàng. Đó cũng là điều trăn trở của cán bộ, đảng viên, là nội dung bàn thảo trong các hội nghị rồi in sâu vào nghị quyết đảng bộ các cấp. Đó là: Phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng!

Những ngày sắp sang năm con trâu, nếu du khách vào thăm Bát Xát sẽ được tận mắt thấy tai nghe thành quả một năm cấy trồng và thu hái của nông dân nơi vùng cao biên giới. Lâu nay sản xuất vụ đông đã trở thành công việc quan trọng vì vừa giải quyết lao động lúc nông nhàn, vừa đem lại nguồn thu nhập không nhỏ. Vụ đông 2019 - 2020 vừa qua, cả huyện trồng cấy hơn 1.850 ha, trong đó có 1.200 ha làm cây hàng hóa. Từ sáng sớm tinh mơ, những chuyến xe thồ bắp cải, su hào, khoai tây, dưa chuột… chở ra chợ và cầm về nhà chừng 125,5 tỷ đồng. Do phân chia lại địa giới hành chính giảm bớt diện tích canh tác nhưng vụ đông 2020 - 2021 này, đồng đất Bát Xát vẫn trồng hơn 1.500 ha cây các loại.

Đến nay, mức sống đã nâng lên gấp nhiều lần nhưng bữa ăn hằng ngày của mỗi người không thể thiếu bát cơm. Dù nghèo khó nhưng ngày Tết nhà nào cũng phải có bát cơm, có bánh chưng, bánh dày, bỏng gạo… bày trên mâm cúng tổ tiên. Vì thế, cũng như nhiều vùng nông thôn khác, Bát Xát vẫn coi cây lúa làm trọng của nghề nông. Ngày nay, nhờ tiếp nhận khoa học tiên tiến, nông dân Bát Xát đã đưa các giống lúa sinh ra từ công nghệ sinh học đều cây thấp, lá thẳng, để dồn phần lớn dinh dưỡng cho mục tiêu là năng suất cao và hạt cơm thơm ngon. Năm nay, hơn 1.000 ha lúa vụ xuân và gần 4.000 ha ruộng vụ mùa của Bát Xát đã cho ô tô, xe máy chở về nhà hơn 25.000 tấn thóc. Trong số thóc chở về kho năm nay, có số thóc thu được trong 640 ha sản xuất theo kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến với tên gọi SRI. Nghe chừng lạ nhưng mà là sự kết hợp chặt chẽ giữa canh tác truyền thống có chọn lọc với phương pháp khoa học thời đại. Phương pháp canh tác mang ký hiệu “Sơ ri” này đòi hỏi công sức và đầu tư cao nhưng năng suất mỗi ha cao hơn canh tác lúa đại trà hơn 3 tạ mà chất lượng thóc lại tốt hơn.

Bát Xát còn có 30 ha ruộng của nông dân Bản Qua liên kết với các kỹ sư nông nghiệp tỉnh làm lúa giống lai, cung cấp giống cho ruộng đồng trong và ngoài tỉnh. Tuy sản lượng thấp hơn các loại lúa khác nhưng mỗi cân lúa giống có giá gấp đôi lúa thường. 
Hạt ngô vốn là lương thực được trọng dụng chỉ đứng sau hạt thóc. Khi thóc ở huyện mang tên Trăm Cót Thóc này dồi dào thì hạt ngô gánh hai nhiệm vụ là làm thức ăn gia súc và lên xe ô tô về tận miền xuôi. Năm nay có hơn 3.200 ha ngô vụ xuân trồng trên nương và mượn ruộng bậc thang vùng cao chưa cấy lúa mùa. Tiếp đến là ngô vụ hè thu trồng trên hơn 2.000 ha nương, còn vụ đông cũng có 430 ha ngô. Hơn 5.700 ha của loài cây phất cờ, bồng con được canh tác bằng giống lai năng suất cao đã cho thu hoạch hơn 23.300 tấn hạt.

Ngoài lúa và ngô, nông dân Bát Xát còn tìm chọn những cây trồng có giá trị kinh tế cao đưa vào canh tác. Không như chuối tiêu thường trồng trong vườn, chuối tiêu nhân giống theo phương pháp cấy mô đòi hỏi chăm sóc theo quy trình kỹ thuật rất ngặt nghèo nhưng giá trị thu nhập cao. Năm nay, tàu lá chuối mô tỏa rộng hơn 1.232 ha khắp dải đồi bãi ven sông Hồng thì đã có 1.055 ha trĩu buồng, cho 18.150 tấn quả lên ô tô qua cầu Kim Thành sang Trung Quốc, để chở về cho Bát Xát 7,2 tỷ đồng.

Gần hai chục năm trước, Bát Xát mạnh dạn bổ cuốc mở vùng chè trên khu vực Mường Hum nhưng phải vất vả đấu tranh với lề lối làm ăn lạc hậu ngáng đường, cây chè mới trụ vững và trở thành nguồn thu chính cho nhiều gia đình ở khu vực Mường Hum và mấy xã vùng cao. Trong hơn 552 ha chè, năm nay có 330 ha góp sức vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Những búp chè bé xíu như mỏ chim họa mi ấy đã cho thu về chồng tiền chừng 1,5 tỷ đồng. Hai giống chè Bát Tiên và Hùng Đỉnh Bạch của nước ngoài, tuy mới nhập cư nhưng hợp với thủy thổ vùng cao Bát Xát và được chăm sóc chu đáo nên trả công người trồng bằng chất lượng cao và cho giá tiền nhiều gấp ba lần chè nội vì được chọn làm hàng xuất khẩu sang châu Âu.

Cũng từ nước ngoài mới di cư về nhưng cây lê Tai nung đã vươn cành trên hơn 254 ha ở hai xã Nậm Pung và Y Tý. Khi bám sâu rễ vào Bát Xát, giống lê ngoại quốc được mang tên khoa học là VH6 này khi đưa lên miệng ăn không chỉ dậy đủ năm mùi chua, chát, mát, ngọt, thơm của họ nhà lê, mà còn tỏ rõ ưu thế năng suất cao gấp đôi dòng lê bản địa.

Chừng dăm bảy năm nay, cây hoàng sin cô thuộc họ thân mềm cũng từ nước ngoài nhập về, được gọi dân dã là sâm đất. Năm nay, hơn 100 ha hoàng sin cô cho chất lên ô tô chở về miền xuôi 2.514 tấn củ ngọt ngào, mát dịu với giá tiền mỗi cân từ 2.000 đến 5.000 đồng. Năm nay, đồng đất Bát Xát còn có mặt của 464 ha đậu tương, 423 ha lạc, 90 ha dưa các loại cùng một số cây trồng khác đứng trên trận tuyến xóa đói, giảm nghèo của Bát Xát để bốn mùa xanh thắm sắc xuân.

Con số 69 triệu đồng năm 2020 thu được trên 1 ha canh tác là sự kết tinh của công nghệ sinh học với sự chung sức, đồng lòng của nhà nông và các nhà khoa học cùng các nhà doanh nghiệp. Cầm chắc trong tay số tiền ấy, nông dân Bát Xát vui mừng bước sang năm con trâu vàng. Con số 69 ấy là bông hoa nở ra từ ý Đảng hợp với lòng dân, để vùng rừng núi bên sông đỏ biên giới luôn luôn xanh mơn mởn như mùa xuân…

Lào Cai, vào xuân Tân Sửu 2021

Bút ký của Nguyễn Xuân Mẫn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu gạo

Cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu gạo

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 578 USD/tấn. Trong khi đó, gạo cùng chủng loại của Thái Lan đã giảm sâu trong tuần qua, xuống mức thấp hơn so với Việt Nam, đạt 575 USD/tấn, còn gạo của Pakistan là 587 USD/tấn. Thị trường gạo thế giới vẫn đang tiếp tục ghi nhận nhiều biến động từ cả phía các quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu gạo.

Chắc chắn hoàn thành mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng

Chắc chắn hoàn thành mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng

Mặc dù mới qua nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhưng có thể khẳng định mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng chắc chắn hoàn thành. Để làm rõ nội dung này, phóng viên Báo Lào Cai đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngăn chặn sâu đo hại quế lây lan ra diện rộng

Ngăn chặn sâu đo hại quế lây lan ra diện rộng

Hiện nay, tại một số địa phương như Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn có sâu đo gây hại mạnh trên cây quế với mật độ phổ biến 30 - 100 con/cây, cục bộ có nơi đến 200 con/cây. Ngành chức năng và các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, không để sâu lan ra diện rộng.

Từ loại quả bình dân thành sản phẩm OCOP

Từ loại quả bình dân thành sản phẩm OCOP

Ông Nguyễn Thế Yên, Cựu chiến binh ở thôn Sơn Mãn, xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai sớm nhận định đúng giá trị của quả chuối. Quyết định đầu tư vùng trồng chuối tiêu hồng sạch, cùng với việc làm chủ công nghệ dấm lạnh quả chuối, gia đình ông Yên đã đưa chuối tiêu hồng từ loại quả bình dân trở thành sản phẩm OCOP 3 sao chất lượng.

Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững

Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững

Xác định sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại và hội nhập, các địa phương trong tỉnh cùng doanh nghiệp, hợp tác xã đã tập trung nhiều nguồn lực nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Duy trì, phát triển vùng nguyên liệu chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới giai đoạn 2024 - 2025

Duy trì, phát triển vùng nguyên liệu chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới giai đoạn 2024 - 2025

Nhằm tổ chức sản xuất chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới đạt hiệu quả cao, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa ký Văn bản số 1562/UBND-NLN yêu cầu các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh thực hiện các giải pháp duy trì, phát triển vùng nguyên liệu chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2025.

fb yt zl tw